‘Khẩu trang trong nước dư thừa, không thể tăng giá vì… thiếu hàng’

[TTO] Hôm qua 29-1, Bộ Công thương đưa ra yêu cầu phải bán đúng giá vật tư y tế, trước thông tin có việc tăng giá khẩu trang.

Bộ Công thương cũng yêu cầu kiểm soát chặt hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc.

Không hiếm khẩu trang nhưng tăng giá

Theo khảo sát của báo Tuổi Trẻ tại chợ bán sỉ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 29-1, chỉ một số quầy thuốc trưng khẩu trang bán với một lượng khiêm tốn. Tuy nhiên, khi được hỏi mua số lượng lớn giá sỉ, một số quầy thuốc thông tin có hàng nhưng "không có giá sỉ", vì các đầu mối đều tăng giá bán, nguồn hàng cung cấp ra hạn chế. Mức giá trung bình được các quầy thuốc rao bán 35.000 - 40.000 đồng/hộp 50 chiếc, thậm chí có nơi lên tới 50.000 - 55.000 đồng/hộp.

Khảo sát một số nhà thuốc bán lẻ, giá khẩu trang bắt đầu được điều chỉnh tăng so với trước. Tại nhà thuốc trên đường Láng Hạ, chủ quầy hàng cho biết giá mỗi hộp khẩu trang là 50.000 đồng, tăng nhẹ so với trước. Tuy vậy, không có tình trạng đổ xô đi mua hàng, do nguồn cung trên thị trường nhiều và giá cũng chưa tăng đột biến, cùng với tâm lý "sống chung với dịch" đã được trấn an qua nhiều đợt nên người dân bình tĩnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hải Trọng, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần y tế Danameco, cho hay nguồn cung khẩu trang sản xuất trong nước đang dư thừa. Do đó, không thể có tình trạng khan hàng, thiếu hàng mà tăng giá.

Về giá cả, đại diện doanh nghiệp này cũng cho hay giá khẩu trang có nhiều loại. Với các sản phẩm khẩu trang sản xuất thông dụng, quảng cáo có bốn lớp kháng khuẩn thường được bán với mức 20.000 - 30.000 đồng/hộp, nhưng với hàng đáp ứng chất lượng, tiêu chuẩn để xuất đi châu Âu, Mỹ hay đưa vào các bệnh viện, mà ở Việt Nam chỉ 2-3 nhà máy đáp ứng được tiêu chuẩn, thường có giá cao hơn.

Phải niêm yết và bán đúng giá

Trong ngày 29-1, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đã có cuộc họp khẩn với Tổng cục Quản lý thị trường, về tăng cường các biện pháp quản lý trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, yêu cầu toàn lực lượng thực hiện cao điểm phòng chống dịch nhưng "không được lơ là các kế hoạch cao điểm khác", bởi "đây cũng là cao điểm của nạn buôn lậu hoành hành".

Đặc biệt, cần phối hợp Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa. Trong trường hợp nhận thấy mất cân đối cung cầu phải xử lý ngay, "khan hiếm nguồn cung phải giải quyết bằng nguồn cung". 

Đối với địa phương, ông An yêu cầu cần có hướng dẫn xử lý tang vật đối với các mặt hàng vi phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh theo tinh thần "đúng nguyên tắc nhưng phải chặt chẽ và khẩn trương". 

Bên cạnh đó, toàn lực lượng quản lý thị trường thực hiện nghiêm việc phòng chống, xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, các hành vi đầu cơ, găm hàng, thổi giá, thu lợi bất chính trên các mặt hàng phòng chống dịch bệnh.

Cùng ngày, Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản hỏa tốc gửi các cục địa phương yêu cầu tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế...

N.AN - T.HIẾN - H.LỘC

Nguồn: https://tuoitre.vn/khau-trang-trong-nuoc-du-thua-khong-the-tang-gia-vi-thieu-hang-20210130081905939.htm

Tin liên quan
DANAMECO tổ chức Đại hồi đồng cổ đông thường niên 2021

14.06.2021

Sáng ngày 10.06.2021, Tổng công ty Cổ phần y tế DANAMECO, mã chứng khoán DNM đã tổ chức Đại...

Danameco “thăng hoa” bất chấp thị trường

05.05.2021

2020 is considered a breakthrough for Danameco in both business results and stock prices.

Bên trong nhà máy sản xuất khẩu trang y tế bình ổn giá

18.03.2021

  Khẩu trang y tế được sản xuất trên dây chuyền tự động hóa gần như 100%. Khẩu trang...